Ý thức xã hội Ý_thức_xã_hội_(Triết_học_Mác_-_Lênin)

Tâm lý xã hội

Tâm lý xã hội bao gồm toàn bộ những tình cảm, tâm trạng, thói quen, tập quán, truyền thống... của cộng đồng xã hội được hình thành một cách tự phát dưới tác động trực tiếp của cuộc sống hàng ngày, chưa được hệ thống hoá, khái quát hoá. Ý thức xã hội thông thường tuy ở trình độ thấp nhưng có vai trò quan trọng vì nhờ nó mà tri thức kinh nghiệm được hình thành. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành các lý thuyết khoa học.

Tâm lý xã hội có đặc điểm:

  • Có sức ỳ, nhất là đối với các phong tục, tập quán lạc hậu, lệ làng...
  • Do bản thân cuộc sống hàng ngày là đa dạng và phức tạp và sự phức tạp của tâm lý con người nên tâm lý xã hội có tính phức tạp và đa dạng.
  • Chịu ảnh hưởng của một số quy luật tâm lý chung.
  • Phản ánh bề ngoài.

Lý luận

Lý luận hay hệ tư tưởng là những quan điểm, tư tưởng đã được khái quát hóa, hệ thống hóa dưới dạng các học thuyết về chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo và khoa học. Lý luận có khả năng phản ánh hiện thực khách quan một cách khái quát, sâu sắc và chính xác, vạch ra các mối liên hệ bản chất của các sự vật và hiện tượng; mang tính tự giác.

Tâm lý xã hội tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây khó khăn cho sự xâm nhập và phát huy ảnh hưởng của lý luận và ngược lại, hệ tư tưởng gia tăng tính trí tuệ, định hướng cho sự hình thành của tâm lý xã hội. Lý luận cũng bị biến đổi tùy theo tâm lý xã hội ở nơi tiếp nhận nó.